Bạn biết không, từ hàng ngàn năm trước, loài người đã biết sử dụng các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên để tạo ra... "mỹ phẩm" chăm sóc sắc đẹp, đặt biệt là làn da. Qua thời gian, hàng nghìn, hàng triệu loại mỹ phẩm nối tiếp nhau ra đời, sánh bước cùng sự phát triển của công nghệ.
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng có một thành phần chỉ nghe tên đã thấy... độc hại, nhưng được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc da tự cổ chí kim. Đó chính là lưu huỳnh - còn gọi là diêm sinh.
Hoá chất này có trong mỹ phẩm?
Thần dược hồi sinh nhiều làn da mụn
Lưu huỳnh độc? Không hẳn! Thực ra bản thân lưu huỳnh thì không độc, chỉ khi nó kết hợp với các nguyên tố khác, như oxy để tạo thành SO2, SO3... mới nguy hiểm. Và trên thực tế, lưu huỳnh cũng là nguyên tố giàu thứ 3 bên trong cơ thể con người.
Không rõ tự bao giờ, nhưng có bằng chứng cho thấy người Hy Lạp cổ đã đốt lưu huỳnh để làm sạch nhà cửa, tẩy trắng sợi vải vào khoảng thế kỷ 12 TCN. Cách làm tuy hơi sai sách vở (lưu huỳnh khi đốt cháy sẽ cho ra những sản phẩm có độc), nhưng đủ để thấy rằng việc sử dụng lưu huỳnh để làm đẹp đã có từ rất lâu rồi.
Người thời này có quan niệm, thứ gì làm sạch được vật thì cũng có tác dụng tương tự với người. Thậm chí, việc đắp mặt nạ từ lưu huỳnh nhằm làm trắng da, trị thâm nám còn phổ biến vào thời Trung cổ.
Chẳng phải tự nhiên, người ta kéo nhau đi tắm suối nước nóng
Ngay cả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, lưu huỳnh cũng có những ảnh hưởng nhất định. Chẳng phải tự nhiên mà người ta lại đi tắm suối nước nóng (những mạch nước ngầm gần núi lửa, có hàm lượng sulfur cao bên trong) để trị bệnh, đúng không?
Lại nói về việc chăm sóc da, lưu huỳnh vốn mang tính khử nước, khi phủ lên bề da sẽ hoạt động giống như miếng bọt biển, hút hết dầu, bã nhờn ra khỏi lỗ chân lông, có thể làm sạch mụn, ngăn sưng tấy.
Ảnh minh họa về công dụng của lưu huỳnh khi trị mụn
Thêm vào đó, theo như Dennis Gross - bác sĩ da liễu tại New York (Mỹ) chia sẻ thì lưu huỳnh còn có tính kháng khuẩn. Chính vì thế đây là chất cực kỳ phù hợp với những người có làn da dầu (loại da dễ bị mụn nhất), và đặc biệt trong những trường hợp mụn đang đến thời kỳ "bung lụa" chi chít trên mặt.
Nhưng cần phải cẩn trọng khi sử dụng
Như bao ngàn mỹ phẩm, hoá chất khác, lưu huỳnh cũng có những mặt trái của nó. Theo Trung tâm y tế ĐH Pittsburgh, với những làn da khô, lưu huỳnh có thể gây kích ứng da, khiến mụn sưng tấy, mẩn ngứa... Ngoài ra nếu vô tình bôi vào những vết thương hở hoặc vết cháy nắng thì tình hình sẽ còn tệ hơn rất nhiều.
Bôi vào vết cháy nắng sẽ cho hậu quả không hay đâu
Chưa kể, thần dược cũng có thể trở thành độc dược. Cần biết rằng, lưu huỳnh có thể thẩm thấu qua da. Người khoẻ mạnh sẽ dễ dàng xử lý nếu dùng với hàm lượng cho phép.
Có điều với những bệnh nhân mắc bệnh thận, khả năng xử lý hoá chất không tốt sẽ khiến cơ thể bị nhiễm độc. Lúc này, lưu huỳnh có khả năng kết hợp với những acid và kim loại nặng sẵn có trong cơ thể, tạo thành hợp chất mang gốc sulfur (S) với tính độc hại cao.
Thần dược trị mụn, nhưng cũng cần cẩn trọng
Khi lưu huỳnh vượt quá mức cơ thể xử lý được, nó sẽ gây tổn thương về thần kinh, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết... Tóm lại là rất có hại cho sức khoẻ.
Ngoài ra, ĐH Michigan (Mỹ) cũng cảnh báo phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng mỹ phẩm có gốc lưu huỳnh.
Kết
Nhìn chung, lưu huỳnh vẫn là một hóa chất tuyệt vời cho những làn da bị mụn. Có điều, bạn cũng nên cân nhắc tình hình sức khỏe của bản thân, và tốt nhất là nên nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ da liễu.
Nguồn: Refinery, Real simple, Livestrong
|